Trương Thiệu Trung ví các nước như Nga, Mỹ là “không ăn được nho thì chê nho chua”, với hàm ý những nước này không có được tàu sân bay như Liêu Ninh nên mới chê bai.
Thời gian gần đây, có khá nhiều bài báo của các nước bình luận về sức mạnh tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Đại đa số các ý kiến đều cho rằng tàu sân bay này kém cỏi về sức tấn công lẫn phòng vệ, trong đó có rất nhiều báo chí từ Nga và Mỹ.
Tờ Military Messenger của Nga tháng trước cũng có bài viết đánh giá về sức mạnh nói chung của các tàu chiến Trung Quốc. Bài viết nhận định, về phương diện tàu kiểu mới của Trung Quốc, trước tiên phải nhắc tới tàu sân bay Liêu Ninh. Sự ra đời của tàu Liêu Ninh đã đánh dấu cho việc bắt đầu xây dựng lực lượng tàu sân bay của Trung Quốc. Đây là tàu sân bay có giá rẻ nhất thế giới, được Trung Quốc mua lại từ Ukraine với giá 20 triệu USD.
Bài viết đưa ra những đánh giá thấp về sức mạnh của tàu Liêu Ninh, dù rằng “theo lý thuyết”, nó có thể chở 60 máy bay các loại, bao gồm 40 máy bay chiến đấu J-15 và khoảng 20 loại máy bay trực thăng được nghiên cứu chế tạo trên cơ sở trực thăng Ka- 28 của Nga.
Bên cạnh đó, các chuyên gia Mỹ cũng nhận định ý nghĩa của tàu Liêu Ninh đối với kỳ vọng nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc là không nhiều. Trước tiên, về hệ thống điện tử và vũ khí, J-15 rõ ràng thua xa F/A-18E/F của Mỹ. Thứ hai, hiện tại tàu Liêu Ninh vẫn chưa được trang bị hệ thống radar dẫn đường, vũ khí đa dạng, máy bay trinh sát cùng máy bay trực thăng, khiến cho sức chiến đấu của tàu Liêu Ninh bị giảm sút mạnh mẽ, gần như không còn khả năng tự bảo vệ chính mình, chỉ có thể tấn công mục tiêu bay tầm thấp.
Đáp lại những lời chỉ trích của báo chí các cường quốc, tướng diều hâu Trương Thiệu Trung mới đây trả lời trên chương trình của đài truyền hình Bắc Kinh cho rằng các nước này đều có tâm lý “con cáo và chùm nho”, qua đó muốn “dìm” sức mạnh của Trung Quốc.
Trương Thiệu Trung cho rằng Liêu Ninh hiện vẫn chưa hoàn toàn hình thành khả năng chiến đấu, mới chỉ đang trong quá trình luyện tập và thử nghiệm, nghiên cứu kĩ thuật là chính, tất cả những kinh nghiệm và các bài tập luyện từ con tàu này sẽ được dùng vào việc đóng tàu sân bay sau này. Vì thế, nước ngoài đồn thổi về khả năng tự bảo vệ của tàu Liêu Ninh, hoàn toàn là một việc vô vị, không có nghĩa lý gì.
Viên tướng khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ thổi phồng về khả năng tác chiến của tàu Liêu Ninh mạnh mẽ đến mức nào. Hiện tại vẫn chưa xác định được hạm đội làm nhiệm vụ bảo vệ tàu Liêu Ninh, do tàu sân bay không phải là loại tàu tác chiến một mình, mà là tác chiến cùng một hạm đội. Khi đánh giá về tàu sân bay, buộc phải đánh giá cả khả năng tác chiến của tiêm kích, hạm đội bảo vệ tàu sân bay. Vì thế, báo chí nước ngoài đánh giá như vậy thật thiếu tính chuyên nghiệp.
Trương Thiệu Trung ví von các nước như Nga, Mỹ là “không ăn được nho thì chê nho chua” với hàm ý những nước này do không có được tàu sân bay như Liêu Ninh nên mới chê bai.
Trong khi đó, hiện nay Mỹ có tới 11 hạm đội tàu sân bay, còn Nga có tàu Đô đốc Kuznetsov đã đi vào hoạt động từ năm 1995. Đưa ra những bình luận này, có vẻ như Trương Thiệu Trung đã quên rằng bản thân tàu sân bay Liêu Ninh chỉ là một con tàu cũ thuộc loại “hàng thải” mà thôi.
(Trí Thức Trẻ)