Chiến lược mới công bố của Bắc Kinh đề cao lợi ích kinh tế, nhưng cảnh báo rằng Ấn Độ dương có thể gặp xung đột và rắc rối bởi lợi ích của các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ bắt đầu chồng lên nhau.
Ngày 8/6, Trung Quốc đã công bố chiến lược và kế hoạch bảo vệ các lợi ích của mình ở Ấn Độ Dương trong một cuốn “Sách xanh”. Cuốn sách xanh đã lập luận rằng Trung Quốc cần làm sâu sắc hơn sự can dự kinh tế của mình với các nước ven bờ Ấn Độ Dương, nhưng nhấn mạnh rằng các lợi ích của Bắc Kinh sẽ được thúc đẩy bởi các mục tiêu về thương mại chứ không phải là quân sự.
Tuy nhiên cuốn sách cũng cảnh báo rằng Ấn Độ Dương có thể sẽ trở thành “một đại dương xung đột và rắc rối” nếu các nước như Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc không thể cùng nhau tham gia một cách xây dựng, vì các lợi ích của các nước này ở đây bắt đầu chồng lấn lên nhau.
Cuốn sách cho rằng một đánh giá thẳng thắn về vai trò của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương cho đến nay thì thấy rằng Bắc Kinh đã bị bỏ lại khá xa sau New Delhi và Washington trong việc bảo vệ những lợi ích của mình. Phần giới thiệu của cuốn sách 350 trang nói thẳng thắn rằng Trung Quốc "không có chiến lược Ấn Độ Dương", trong khi Ấn Độ đã đưa ra chính sách "Hướng Đông" của mình và Mỹ đang thực hiện chiến lược "xoay trục" hay "tái cân bằng" của mình ở châu Á.
Tác động của Trung Quốc
Cuốn sách kêu gọi Trung Quốc nên chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình ở khu vực. Cuốn sách có đọan viết: “Nếu Trung Quốc không có được một tác động tích cực đối với các cường quốc khu vực và các quốc gia ven bờ, tình hình ở khu vực này trong tương lai sẽ trở nên thậm chí còn nghiêm trọng hơn, và sẽ tác động một cách tiêu cực đến hòa bình và sự phát triển của Trung Quốc”.
Cuốn sách lập luận rằng: “Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc trong quá khứ đã dựa trên khái niệm truyền thống ôn hòa, và nỗ lực phấn đấu để duy trì nguyên trạng …Với những thay đổi trong các mối quan hệ giữa các nước trong khu vực Ấn Độ Dương và trong tình hình quốc tế, ngoại giao của Trung Quốc cũng nên thay đổi. Một chiến lược phát triển rõ ràng trong chiến lược với khu vực Ấn Độ Dương đối với Trung Quốc không chỉ là một dấu hiệu của sự tự tin của mình, mà còn là một minh chứng rõ ràng về lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. "
Các cơ quan cố vấn chính sách chính thức Trung Quốc phát hành cuốn "sách xanh" này, là những tư liệu chính sách nhằm hàng năm đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ trên một loạt các chủ đề. Các tác giả của cuốn sách, được Viện khoa học xã hội phát hành, nói rằng cuốn sách không đại diện cho quan điểm chính thức của chính phủ. Họ mô tả cuốn sách như một nỗ lực của các học giả nhằm thu hút thêm sự chú ý của dư luận đến một khu vực mà họ cho rằng chưa nhận được đầy đủ sự chú ý cần thiết của các nhà hoạch định chính sách.
Một cuộc tập trận hải quân chung Nhật - Ấn năm 2012. Hợp tác quốc phòng hai nước ngày càng gia tăng trước sự trỗi dậy cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Ảnh: Indian Navy. |
Đối thoại thẳng thắn
Đại sứ Wu Jianmin, một cố vấn cho dự án "sách xanh", trước đây là đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, cho biết cuốn sách này là một phần của một nỗ lực rộng lớn hơn để châm ngòi cho một cuộc “đối thoại thẳng thắn rất cần thiết"
Phát biểu với báo giới Ấn Độ, ông nói rằng: “Chúng ta đang trải qua một giai đoạn rất quan trọng trong quan hệ quốc tế, và sự thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến là chưa từng có...Thay đổi thường gây ra lo sợ, nghi ngờ và thậm chí là sợ hãi. Đây là một thực tế mà chúng ta phải đối mặt.”
“Đối với những người nói rằng việc Ấn Độ “hướng Đông” còn Trung Quốc “hướng Tây” sẽ dẫn đến đối đầu, chúng tôi có quan điểm khác... Chúng tôi hướng đến sự song trùng đang tồn tại [trong quá trình này]. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào những sự khác biệt thì kết cục chỉ mang lại thêm nghi ngờ, đối đầu và cạnh tranh. Nhưng ở Ấn Độ cũng vậy, các bạn cũng cần có hòa bình và phát triển. Đó cũng là điều Trung Quốc muốn, và cả khu vực muốn", ông Wu nói thêm.
Đại sứ Wu và ông Wang Rong, Tổng thư ký Đại học kinh tế tài chính Vân Nan (YUFE) những người ủng hộ dự án, đã đưa ra nhận xét khi phát hành cuốn sách này, rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã quá tập trung vào phương Tây và cần phải có một thay đổi trong quan điểm.
Cuốn sách đã được phát hành chỉ hai ngày sau khi Trung Quốc khai trương triển lãm đầu tiên của mình về Nam Á - một sự thúc đẩy thương mại do tỉnh Vân Nam chủ trì và được sự ủng hộ của chính quyền trung ương.
Cuốn sách gồm các chương nói về chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ - sự mở rộng lợi ích về phía Đông của Ấn Độ trong một khu vực đan chéo nhau được gọi là khu vực “Ấn-Thái” và các bài học cho Trung Quốc trước sự “suy giảm của bá quyền Mỹ, Anh” ở khu vực.
Cuốn sách tiên đoán rằng “không một cường quốc khu vực hay quốc tế nào, kể cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ có thể đơn phương kiểm soát được khu vực Ấn Độ Dương trong thế giới tương lai”, dẫn đến “một sự cân bằng lực lượng mong manh” sau các vụ xô đẩy giữa các cường quốc lớn.
Dù cho rằng an ninh khu vực “vẫn chưa phải đối mặt với một mối đe doạ nghiêm trọng”, cuốn sách cảnh báo rằng “với các nỗ lực tăng cường quốc phòng của các cường quốc thế giới và khu vực, tương lai của khu vực Ấn Độ Dương có thể sẽ chuyển hóa từ hợp tác và hòa bình sang một đại dương của xung đột và rắc rối".
Cuốn sách nhấn mạnh rằng “sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với khu vực”, mặc dù cuốn sách thừa nhận rằng “khu vực Ấn Độ Dương, bao gồm cả Ấn Độ, đang lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Cuốn sách đổ lỗi cho xu hướng này là do "thuyết về mối đe dọa Trung Quốc” của các nước phương Tây đề xuất và các ảo giác về “chiến lược chuỗi ngọc trai” gây nên, nhưng sách đã không tìm cách giải thích những gì nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, từ Nhật Bản đến Philippines và Việt Nam cảm nhận thế nào về một sự quyết đoán mới của Bắc Kinh.
Phạm Ngọc Uyển (theo Hindu)